Trang chủ / TỔNG QUAN / GIỚI THIỆU VỀ TRƯỜNG / Chiến lược phát triển trường THPT Lê Thị Pha giai đoạn 2018-2023 và tầm nhìn đến năm 2028

Chiến lược phát triển trường THPT Lê Thị Pha giai đoạn 2018-2023 và tầm nhìn đến năm 2028

       SỞ GD&ĐT LÂM ĐỒNG                                                                       CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    TRƯỜNG THPT LÊ THỊ PHA                                                                            Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
         Số: 45 /KH-THPTLTP                                                                                  Bảo Lộc, ngày 20  tháng  2  năm 2019

KẾ HOẠCH

Chiến lược phát triển trường THPT Lê Thị Pha giai đoạn 2018-2023 và tầm nhìn đến năm 2028

Trường THPT Lê Thị Pha thành lập năm 2002, quyết định số 50/QĐ-UB, ngày 28 tháng 3 năm 2002 của Ủy ban Nhân tỉnh Lâm Đồng về việc thành lập trường THPT – THCS Lê Thị Pha – Thị xã Bảo Lộc với hai cấp học là THCS và THPT thuộc địa bàn xã Đại Lào, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; trường có vị trí giao thông khá thuận lợi, nằm cách Quốc lộ 20 là 100 m; từ vị trí trường đi thành phố Hồ Chí Minh 180 km, đi thành phố Đà Lạt 120 km và đi trung tâm thành phố Bảo Lộc 10 km.
Do yêu cầu thực tiễn và quy mô phát triển của đô thị, nhận thức của người dân ngày càng cao về vấn đề cho con em đến trường, chính vì vậy số quy mô lớp tăng lên giữa hai cấp trong khi đó điều kiện cơ sở vật chất thì có giới hạn; hơn nữa việc quản lý hai cấp cũng gặp trở ngại; chính vì lẽ đó năm 2012 với chủ trương của ngành và địa phương, nhà trường chính thức tách trường THCS-THPT Lê Thị Pha thành trường THCS Đại Lào và trường THPT Lê Thị Pha theo Quyết định số 1554/QĐ-UBND, ngày 30 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc thành lập trường THPT Lê Thị Pha, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Ngày nay, nhà trường không ngừng ổn định, từng bước phát triển; quy mô vừa từ 15 – 18 lớp. Nhà trường đóng trên địa bàn xã Đại Lào, khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn so với các khu vực trong thành phố và mức độ phát triển dân số không ổn định. Địa chỉ giao dịch của nhà trường số 1 – Thi Sách, thôn 1, xã Đại Lào, Thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng, điện thoại 02633865721.
Hơn 17 năm một chặng đường, trường THPT Lê Thị Pha từng bước khắc phục những khó khăn, vượt qua những thách thức để từng bước ổn định và khẳng định mình, nhất là trong xu thế đổi mới giáo dục hiện nay theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam với nhiều sự biến động về hình thức, cách thức tổ chức thi cử; những thay đổi đó càng đặt sứ mệnh nhà trường đứng trước những khó khăn, thử thách mới.

Hàng năm công tác tuyển sinh và đội ngũ biến động thường xuyên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tạo nên sự không ổn định về công tác tuyển sinh và duy trì sĩ số học sinh cũng như ổn định đội ngũ.

Tình hình đội ngũ

 

Nhân sự

Đảng

viên

Trình độ chuyên môn Trình độ CT Biên chế HĐ 68
ThS ĐH TC CC TC SC    
BGH 2 2 0 0 0 0 2 0 2 0
GV 17 3 34 0 0 0 1 36 37 0
BTĐoàn 1 0 1 0 0 0 0 1 1 0
Nhân viên 1 0 2 0 3 0 0 0 5 3
Tổng 21 5 38 1 1 0 3 37 45 3

      Số lớp và số học sinh.

Khối/lớp 10 11 12 Tổng cộng Ghi chú
Số lớp 5 5 5 15  
Tổng số HS đầu năm 197 167 163 527  
Tổng số HS 187 168 160 515  

Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn 2028 nhằm xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển, là cơ sở quan trọng cho các quyết sách của Hội đồng trường và hoạt động của lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh nhà trường.

Xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược của trường THPT Lê Thị Pha là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị Quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” Trường THPT Lê Thị Pha quyết tâm cùng ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kì mới, hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.

I. PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG (SWOT)

1. Môi trường bên trong:

1.1. Điểm mạnh:

– Nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Sở GD & ĐT, Thành ủy Bảo Lộc về mọi mặt làm cơ sở, động lực cho nhà trường triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học trong những năm qua và thời gian đến.

– Tinh thần đoàn kết của nội bộ cơ quan là vấn đề tiên quyết trong xây dựng và phát triển nhà trường; phát huy tốt tinh thần dân chủ trong đơn vị, thống nhất quan điểm chủ trương từ Chi bộ đến Ban giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên và các tổ chuyên môn; từ tổ chuyên môn đến từng cá nhân.

– Sự kết hợp tốt các môi trương giáo dục trong và ngoài nhà trường, đặc biệt là lực lượng phụ huynh học sinh trong những năm qua đã cùng đồng hành với sự nghiệp giáo dục và phát triển nhà trường, cụ thể cùng vận động thực hiện tốt chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm trong cuộc vận động xã hội hóa giáo dục để tôn tạo, tu sửa cảnh quan môi trường và cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dạy – học; phối hợp tốt với chính quyền địa phương xã Đại Lào, các trường THCS trên địa bàn về công tác tuyển sinh lớp đầu cấp; phối hợp lực lượng Công an về trật tự an ninh trường học và phối hợp rèn luyện, giáo dục học sinh cá biệt tiến bộ và giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường.

– Đội ngũ nhà giáo phần lớn đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục và rèn luyện học sinh. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng chuẩn nghề nghiệp giáo viên để thích ứng với chủ trương đổi mới phương pháp, nội dung chương trình của ngành. Qua trình độ chuyên môn, năng lực công tác và tâm huyết nghề nghiệp thì đội ngũ CB – GV-NV nhà trường không ngần ngại vượt lên chính mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện sứ mệnh lớn lao mà Đảng- Nhà nước, ngành đã giao cho trường THPT Lê Thị Pha trong thời gian đã qua, hiện tại và trong chặng đường đến.

– Cơ sở vật chất không ngừng cải tạo, tu sửa để đảm bảo phục vụ cho hoạt động dạy và học, đặc biệt là chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho đổi mới giáo dục và giáo dục toàn diện học sinh trong giai đoạn hiện nay. Nhà trường có 18 phòng học và 4 phòng bộ môn phục vụ cho thí nghiệm thực hành, 2 phòng Tin học, 01 phòng Lap; 01 Thư viện, 4 phòng chức năng được trang bị đèn chiếu Projestor, 02 hội trường và 01 sân dành cho giảng dạy môn Giáo dục thể chất và An ninh quốc phòng, 01 phòng Đoàn Thanh niên, 01 phòng Công đoàn, khu hành chính hiệu bộ, khu nhà vệ sinh dành cho học sinh và CB-GV-NV được bố trí độc lập và an toàn. Trang bị thiết bị, điều kiện cần thiết đảm bảo cho hoạt động điều hành của nhà trường.

1.2. Điểm yếu:

– Chất lượng nhà trường không ổn định tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm dao động từ 90% – 98%; tỷ lệ học sinh đạt điểm giỏi trong kì thi THPT Quốc gia còn quá ít, khiêm tốn; tỷ lệ học sinh mũi nhọn đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, học sinh tham gia các cuộc thi khác chưa cao. Tỷ lệ học sinh bỏ học còn nhiều và tỷ lệ học sinh thi lại còn cao do nhiều yếu tố (Nhận thức của học sinh, lười học, mất căn bản về kiến thức; không xác định đúng mục tiêu, động cơ học tập cho chính mình; thiếu sự quan tâm của gia đình còn hiện tượng khoán trắng cho nhà trường; công tác phối hợp giữa ba môi trường gia đình – nhà trường – xã hội ở một số thầy cô giáo là chưa tốt, thiếu sự quan tâm, bế tắc trong định hướng giáo dục học sinh cá biệt. Thành tích nhà trường chưa nổi trội trong những năm qua.

– Điều kiện học sinh phần lớn là khó khăn về kinh tế, đi lại xa và năng lực học có giới hạn vì tuyển sinh lớp đầu cấp thắp (thường không đảm bảo chỉ tiêu) nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện của một bộ phận học sinh chưa tốt, chưa nổ lực vượt qua chính mình; thiếu tinh thần, trách nhiệm, thiếu nhận thức về giá trị sống, văn hóa ứng xử, bị hấp thụ, chịu sự tác động của môi trường bên ngoài về thói hư tật xấu của xã hội.

– Đội ngũ: Khó khăn lớn nhất của nhà trường là dôi dư đội ngũ; giáo viên phần lớn là trẻ, xa trường nên chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là việc thích ứng với kì thi THPT Quốc gia, thích ứng với chủ trương đổi mới giáo dục hiện nay.

– Sự quan tâm của một số phụ huynh học sinh đến việc học tập của con em là chưa tốt, ý thức học tập của một số học sinh chưa ngoan và hiện tượng bỏ học của học sinh trong năm còn nhiều.

– Cơ sở vật chất nhà trường: Tuy có trang bị đảm bảo cho hoạt động dạy và học; tuy nhiên chất lượng chưa đáp ứng cho sự nghiệp đổi mới hiện nay vì trang bị bên trong các phòng học đã lỗi thời lạc hậu, các phòng thiết bị thí nghiệm, thực hành không đảm bảo về chất lượng, bàn ghế học sinh ở một số phòng học, phòng chức năng chưa đạt chuẩn; nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và hoạt động nhà trường không đảm bảo (thiếu vào mùa khô).
2. Mội trường bên ngoài
2.1. Thời cơ:
– Thời đại hội nhập kinh tế quốc tế, thời đại công nghệ 4.0 và đặc biệt là sự nghiệp đổi mới giáo dục về phương pháp, nội dung chương trình và đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá; vấn đề này giúp cho đội ngũ luôn năng động, nghiên cứu, học tập sáng tạo để đáp ứng những yếu cầu cấp thiết trong sự nghiệp đổi mới giáo dục của nhà trường, ngành theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ -TW.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành quản lý, của địa phương, đặc biệt của thành phố Bảo Lộc, của Sở GD & ĐT tỉnh Lâm Đồng về sự nghiệp giáo dục của nhà trường.

– Đã có sự tín nhiệm và ủng hộ nhiệt tình của học sinh, phụ huynh học sinh, các lực lượng trong và ngoài nhà trường.

– Đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn và kỹ năng sự phạm khá tốt, có đạo đức nghề nghiệp và yêu nghề mến trẻ.

– Do nhu cầu đòi hỏi của xã hội, của địa phương và của ngành về chất lượng giáo dục cũng như góp phần đào tạo một phần lực lượng lao động phổ thông cho địa phương.

2.2. Thách thức:

– Trước sự nghiệp đổi mới của giáo dục hiện nay đặt nhà trường đứng trước những thách thức lớn về chất lượng, đội ngũ và cơ sở vật chất.

– Thời đại công nghệ 4.0 và mặt trái của cơ chế thị trường tác động không nhỏ đến xã hội và nhà trường; sự hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu giữa các luồng văn hóa tác động đến một bộ phận học sinh về đạo đức, lối sống, quan hệ ứng xử, đối nhân xử thế và trách nhiệm công dân với bản thân, gia đình và quê hương đất nước.

– Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, đòi hỏi mỗi cá nhân trong nhà trường nêu cao tinh thần, trách nhiệm, ý thức tự học, tự rèn luyện và không ngừng đổi mới về tư duy, nhận thức về lý luận giáo dục để tìm ra một triết lý giáo dục hoàn chỉnh nhất.

– Yêu cầu đổi mới giáo dục, ứng dụng Công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý; đòi hỏi đội ngũ CB-GV-NV nhà trường không ngừng nâng cao năng lực Ngoại ngữ, Tin học, không ngừng bồi dưỡng kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức giáo dục kĩ năng sống, giáo dục tâm lý học đường để thích ứng với nền giáo dục trong thời đại đổi mới hiện nay.

– Trường đóng trên địa bàn có nền kinh tế, vật chất còn nhiều khó khăn nên tác động đến việc quan tâm, đầu tư cho con em đến trường; làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, duy trì sĩ số, tuyển sinh lớp đầu cấp và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

3. Xác định các vấn đề ưu tiên:

– Áp dụng các chuẩn đánh giá CB – GV- NV và các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục để xác định cấp độ phát triển, tiến độ và kết quả của nhà trường về công tác quản lý, giảng dạy, giáo dục rèn luyện học sinh. Từ đó đề ra những giải pháp có khả thi để thúc đẩy sự nghiệp phát triển nhà trường đi đúng hướng.

– Chuẩn bị tốt mọi điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để đáp ứng cho yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian đến theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ -TW về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam.

– Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị cho đội ngũ nhà giáo, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ Tin học và Ngoại ngữ; khả năng ứng dụng Công nghệ thông tin, kỹ năng thích ứng với đổi mới giáo dục, biến đổi của xã hội cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ quan đơn vị. Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

– Chú trọng công tác giáo dục học sinh về đạo đức cách mạng, lối sống, văn hóa ứng xử gắn trách nhiệm bản thân với trách nhiệm xã hội; phương châm “Dạy chữ đi đôi với dạy người ”.

– Áp dụng các “Chuẩn” của bộ GD&ĐT vào việc đánh giá hoạt động của nhà trường về công tác quản lý, giảng dạy như kiểm định chất lượng, đánh giá chuẩn Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng và chuẩn giáo viên……

II. TẦM NHÌN – SỨ MỆNH – CÁC GIÁ TRỊ

1. Tầm nhìn:

Thích ứng, đổi mới, từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục để tạo niềm tin và tự khẳng định mình; tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện gắn với kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, giàu tính nhân văn và trải nghiệm, sáng tạo để có cơ hội phát triển toàn diện.

2. Sứ mệnh:

Khát vọng của nhà trường tạo dựng môi trường học tập lành mạnh, có nền nếp kỷ cương, rèn kĩ năng sống để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển tài năng và tư duy sáng tạo. Duy trì, phát triển quy mô trường lớp để ổn định lâu dài nhà trường.

3. Hệ thống giá trị cơ bản:

– Tinh thần đoàn kết – trách nhiệm – nhân ái – hợp tác – trung thực và khát vọng vươn lên.

– Với học sinh là tâm điểm của nhà trường và kết quả giáo dục học sinh chính là chất lượng để tự khẳng định mình.

– Với đội ngũ là trình độ, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, tính năng động, sáng tạo và thích ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục.

III. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG

1. Mục tiêu: Từng bước xây dựng nhà trường ổn định, chú trọng chất lượng, nâng cao hiệu quả giáo dục và rèn luyện học sinh; tinh giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết 18/2017/ NQ-TW, 19/2017/NQ-TW; duy trì sỹ số, ngăn chặn các tệ nạn xã hội thâm nhập vào học đường và sự lôi kéo học sinh của các phần tử suy thoái đạo đức ngoài xã hội.

2. Chỉ  tiêu:

a. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên:

– Năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên và công nhân viên được đánh giá khá, giỏi trên 90%.

– 100% giáo viên, nhân viên (trừ hợp đồng 68) sử dụng thành thạo máy tính và ứng dụng CNTT trong giảng dạy và quản lý.

– Đến năm 2020, Ban giám hiệu 100% đạt chuẩn và vượt chuẩn và đến năm 2025 có 15% giáo viên có trình độ thạc sỹ.

– Đến năm 2022, 100%  giáo viên được đào tạo chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

b. Học sinh:

– Qui mô:

+ Lớp học: 18 lớp

+ Học sinh: Hơn 540 học sinh

– Chất lượng học tập:

+ Trên 55 % học lực khá, giỏi (50% học lực khá)

+ Tỷ lệ học sinh có học lực yếu, kém: Dưới 5% trước thi lại và dưới 3.0% sau thi lại.

+ Tỷ lệ độ kì thi THPT Quốc gia: Phấn đấu trên 98%.

+ Có học sinh tham gia và đạt giải cuộc thi HS giỏi, cuộc thi KHKT cấp tỉnh.

+ Có HS đạt giải TDTT cấp tỉnh.

+ Tỷ lệ học sinh lên lớp sau khi thi lại của khối 10, 11 trên 96 %.

– Duy trì sỹ số: Trên 95%.

– Hạnh kiểm:Tốt, khá từ 95% trở lên, không có hạnh kiểm yếu.

– Học sinh được trang bị các kỹ năng sống cơ bản, tích cực tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội và công tác tình nguyện.

c. Cơ sở vật chất:

– Tôn tạo cảnh quan môi trường Xanh – Sạch – Đẹp và an toàn.

– 100% nhà vệ sinh học sinh, giáo viên đủ điều kiện thoáng mát, nguồn nước đảm bảo vệ sinh và sạch sẽ.

– Có đủ các phòng học, phòng chức năng và đạt chuẩn.

– Có đủ sân chơi, bãi tập đảm bảo cho hoạt động và dạy học.

3. Phương châm hành động:

“Nền nếp, kỷ cương làm nên chất lượng giáo dục nhà trường; dạy là dẫn dắt, học là tìm tòi, sáng tạo”

IV. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục học sinh:

– Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của nhà trường, giải pháp nâng tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh, khá giỏi cấp trường, khắc phục tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học.

– Thông qua chương trình chính khóa và ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa thực hiện lồng ghép giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; lòng nhân ái, tính trung thực; tinh thần đoàn kết, hội nhập, hợp tác và trách nhiệm; tính kiên trì, học hỏi, sáng tạo với khát vọng vươn lên trong học tập và cuộc sống.

– Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình và đối tượng học sinh. Đổi mới các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, gắn học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn; giúp học sinh có được những kỹ năng sống cơ bản làm hành trang bước vào đời.

– Người phụ trách: Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đoàn thanh niên, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm.

2. Xây dựng và phát triển đội ngũ:

Theo tình hình thực tế và nhu cầu phát triển, nhà trường để đề ra kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn và vượt chuẩn.

– Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có phẩm chất chính trị; có năng lực chuyên môn khá giỏi; có năng lực Tin học, Ngoại ngữ cơ bản, có phong cách sư phạm mẫu mực. Đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với nhà trường và cùng hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

– Người phụ trách: Cấp ủy, Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn.

3. Cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục:

– Tập trung cải tạo, sửa chữa, trang bị các hạng mục như nhà vệ sinh dành cho học sinh và giáo viên; phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, sân chơi bãi tập đạt chuẩn; đầu tư trang thiết bị cần thiết cho hoạt động và đổi mới phương pháp ứng dụng CNTT.

– Xây dựng cơ sở vật chất kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa. Khai thác, sử dụng, quản lý có hiệu quả tài sản, thiết bị dạy học hiện có và không ngừng bổ sung, sửa chữa những hạng mục cần thiết để đáp ứng cho hoạt động của nhà trường.

– Người phụ trách: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất, Kế toán, nhân viên thiết bị và nhân viên Thư viện.

4. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin:

– Đẩy mạnh tin học hoá tất cả hoạt động của nhà trường: Trong quản lý, dạy và học; qua trường học kết nội, hệ thống Internert, Website.

– Phụ trách: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng CM, GV Tin học, Thư viện.

5. Thực hiện hiệu quả chính sách giáo dục, huy động nguồn lực tài chính, xã hội hóa giáo dục:

– Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, phát huy tối đa nguồn lực huy động từ các lực lượng trong và ngoài nhà trường với mục đích cho sự nghiệp phát triển nhà trường.

– Khai thác sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn tài chính từ:

+ Ngân sách Nhà nước.

+ Ngoài ngân sách.

– Tập trung nguồn lực để cải tạo khuôn viên nhà trường, phòng học, phòng làm việc và các công trình phụ. Trang thiết bị giảng dạy, công nghệ phục vụ dạy – học.

– Người phụ trách: BGH, BCH Công đoàn, Ban đại diện cha mẹ học sinh, Kế toán, thủ quỹ và GVCN.

6. Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình – xã hội, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế:

Tiếp tục hoàn thiện quy chế phối hợp giữa ban đại diện CMHS và nhà trường trong thông tin giáo dục, công tác vận động xã hội hóa giáo dục, quản lý học sinh, khen thưởng và xử lí kỉ luật học sinh.

7. Xây dựng thương hiệu:

– Xây dựng thương hiệu, uy tín nhà trường được sự tín nhiệm của xã hội.

– Chất lượng là thước đo hiệu quả giáo dục của nhà trường.

– Xây dựng, phát huy truyền thống giáo dục của nhà trường trên nền tảng hiện tại và hướng đến tương lai.

V. TỔ CHỨC THEO DÕI, KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Phổ biến kế hoạch chiến lược:

Kế hoạch chiến lược được phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ giáo viên, CNV nhà trường, cơ quan chủ quản, PHHS, học sinh và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường.

2. Tổ chức:

Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược là bộ phận chịu trách nhiệm điều phối quá trình triển khai kế hoạch chiến lược. Điều chỉnh kế hoạch chiến lược sau từng giai đoạn sát với tình hình thực tế của nhà trường.

3. Lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược:

3.1. Giai đoạn 1: Từ năm 2018 – 2022:

– Ổn định chất lượng, từng bước tinh giảm đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 18, 19/2017/ NQ-TW.

– Cơ sở vật chất: Sửa chữa một số hạng mục về cơ sở vật chất (cầu thang nối hai dãy phòng học, cải tạo dãy 12 phòng học, nhà vệ sinh, trang bị thiết bị phục vụ hoạt động của nhà trường).

– Tôn tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp.

3.2. Giai đoạn 2: Từ năm 2023 – 2028:

– Duy trì quy mô trường lớp; nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQL.

– Tiếp tục trang bị, sửa chữa cơ sở vật chất theo chuẩn kiểm địch CLGD. Tôn tạo cảnh quan môi trường, sửa chữa nhà vệ sinh học sinh đạt chuẩn.

-Thực hiện, đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW.

4. Triển khai thực hiện:

4.1. Đối với chi  bộ:

– Chỉ đạo, lãnh đạo toàn diện hoạt động của nhà trường bằng chủ trương, đường lối và nghị quyết.

– Chi bộ quan tâm, lãnh đạo nhà trường thực hiện thắng lợi kế hoạch chiến lược phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm.

– Luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên phát huy tốt năng lực và sở trường của mình.

4.2. Đối với Hiệu trưởng:

– Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược tới từng cán bộ, giáo viên, CNV nhà trường.

– Thành lập Ban kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch trong từng năm học.

– Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các thành viên thực hiện trong nhà trường và luôn lắng nghe thông tin đa chiều để điều chỉnh, xử lý cho phù hợp với điều kiện thực tế.

4.3. Đối với các Phó Hiệu trưởng:

Theo nhiệm vụ được phân công, giúp Hiệu trưởng tổ chức triển khai từng phần việc cụ thể, đồng thời kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch,đề xuất những giải pháp cải tiến phù hợp.

– Tham mưu kịp thời cho Hiệu trưởng trong quá trình triển khai thực hiện.

– Nắm bắt kịp thời về những công việc được giao để tham mưu xử lý.

4.4. Đới với tổ chức Công đoàn:

– Chỉ đạo hoạt động của các tổ trưởng công đoàn, vận động xây dựng đạo đức lối sống, theo dõi và tổng hợp phong trào thi đua trong CB-GV-NV. Chú trọng vào thực hiện Chỉ thị 05/CT-TW về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

– Làm tốt công tác tư tưởng theo dõi động viên cán bộ, công chức khắc phục khó khăn trong đó coi trọng yếu tố tâm lý để tạo động lực làm việc trong giáo viên, tổ chức các hoạt động kiểm tra đánh giá theo các tiêu chí đã đề ra.

– Tuyên truyền, vận động công đoàn viên thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của nhà trường và ngành.

4.5. Đới với tổ chức Đoàn Thanh niên:

– Quản lý, hướng dẫn học sinh thực hiện tốt nội quy và tổ chức các hoạt động liên quan đến học sinh.

– Xây dựng kế hoạch hoạt động, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh để có các chương trình giáo dục kỹ năng sống, trò chơi dân gian, đố vui để học, nghiên cứu khoa học; thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ võ thuật, câu lạc bộ Tiếng Anh; câu lạc bộ kỹ năng mềm; đội, nhóm văn nghệ…Duy trì và phát triển các hoạt động văn nghệ, Thể dục thể thao hàng năm của trường.

– Phát hiện và xây dựng lực lượng nòng cốt từ các chi đoàn lớp để xây dựng phong trào:“Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, thu nhận và xử lý các thông tin phản hồi từ học sinh.

4.6. Đối với tổ trưởng chuyên môn:

-Tổ chức thực hiện kế hoạch trong tổ; kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các thành viên. Tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.

– Chỉ đạo các thành viên trong tổ có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bồi dưỡng năng lực Tin học, Ngoại ngữ.

– Thích ứng với chương trình giáo phổ thông mới trong thời gian tới về nội dung, chương trình và phương pháp.

4.7. Đối với đội ngũ giáo viên, CNV:

– Căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo từng học kỳ, năm học. Đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.

– Các hoạt động thực tiễn của giáo viên trong suốt năm học: Hội giảng, thao giảng, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém.

– Tham gia các hoạt động ngoại khóa của tổ bộ môn, của nhà trường.

– Tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường, đoàn thể và địa phương.

– Kết quả học tập của các lớp dạy là thức đo chất lượng.

– Căn cứ kết quả thi đua cuối năm học làm cơ sở để đánh giá.

4.8. Ban đại diện cha mẹ học sinh:

Ban đại diện cha mẹ học sinh trường: Phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong các hoạt động giáo dục học sinh; tích cực huy động các nguồn lực trong phụ huynh hỗ trợ tích cực nhà trường để tăng cường và nâng cao điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học.

4.9. Đối với học sinh:

– Căn cứ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh cuối năm để đánh giá.

– Căn cứ kết quả kì thi trung học phổ thông Quốc gia, trúng tuyển Đại học, Cao đẳng và các giải thưởng học sinh giỏi đạt được để đánh giá.

– Các hoạt động dành cho cá nhân và tập thể lớp được xem xét mỗi năm để đánh giá, xác định, kiểm tra lại kết quả thực hiện.

– Duy trì và có biện pháp hỗ trợ các câu lạc bộ hoạt động cho hiệu quả.

– Mỗi chi đoàn lớp thực hiện một công trình thanh niên về môi trường sư phạm.

– Phát huy các trò chơi dân gian, nghiên cứu khoa học, các hoạt động văn thể mỹ được quan tâm đầu tư và tạo điều kiện hoạt động.

VI. KẾT LUẬN:

1. Kế hoạch chiến lược là một văn bản có giá trị định hướng cho sự xây dựng và phát triển giáo dục của nhà trường đúng hướng trong hiện tại và tương lai, giúp cho nhà trường có sự điều chỉnh hợp lý kế hoạch hàng năm .
2. Sự quyết tâm của toàn thể CB-GV-NV và học sinh nhà trường xây dựng cho mình một thương hiệu, địa chỉ giáo dục đáng tin cậy.
3. Trong thời kỳ hội nhập, có sự phát triển mạnh kinh tế xã hội, kế hoạch chiến lược của nhà trường sẽ có sự điều chỉnh và bổ sung. Tuy nhiên bản kế hoạch chiến lược này là cơ sở nền tảng để nhà trường hoạch định chiến lược phát triển giáo dục cho những giai đoạn tiếp theo một cách bền vững.

 

Nơi nhận:                                                                                                                                            HIỆU TRƯỞNG

– Sở GD & ĐT: Báo cáo;

– Thành ủy: Báo cáo;

– Chi bộ: Để biết chỉ đạo;

– BGH, CĐ, Đoàn TN, hội CMHS: P/h thực hiện;

– TTCM: Thực hiện;

– Lưu HS.                                                                                

 

 

 

 

 

About LƯỜNG HÙNG

Trả lời