Chuyên đề: GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG TINH THẦN ĐOÀN KẾT TRONG TRƯỜNG HỌC.
Chiều ngày 21/3/2022, Chi bộ trường THPT Lê Thị Pha tiến hành sinh hoạt chuyên đề quý I năm 2022 với chủ đề: Giải pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng tinh thần đoàn kết trong trường học.
Tham dự buổi sinh hoạt có đồng chí Nguyễn Đức Tín_Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cùng với sự tham dự đông đủ của 24 đồng chí đảng viên.
Thực hiện theo đúng kế hoạch Chi bộ đã đề ra và được sự phân công của đồng chí Bí thư, đồng chí Ngô Thị Thương đã nghiêm túc nghiên cứu và chắp bút cho chuyên đề đồng thời tiến hành trình bày trước chi bộ chiều ngày 21/3/2022.
Trong chuyên đề, đồng chí Thương đã nêu rõ thực trạng, nguyên nhân, biện pháp khắc phục về tinh thần đoàn kết trong trường THPT Lê Thị Pha. Chuyên đề của đồng chí đã nêu cao tinh thần phê và tự phê; một mặt tự hào về cán bộ quản lí, nhân viên, giáo viên trong nhà trường đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau, giúp nhau tháo gỡ những vướng mắc khó khăn nảy sinh trong công tác giảng dạy và trong cuộc sống; một mặt cũng phân tích những hạn chế trong giải quyết công việc dẫn đến những vướng mắc không đáng có. Từ sự phân tích ấy, đồng chí đã đưa ra nhiều biện pháp về phía Ban giám hiệu, về phía giáo viên, học sinh…để có thể phát huy tinh thần đoàn kết vốn có trong cơ quan và hạn chế, khắc phục đến mức tối đa những mâu thuẫn nhỏ không đáng có trong nhà trường.
Chuyên đề của đồng chí Thương đã nhận được sự đóng góp ý kiến rất sôi nổi của toàn chi bộ. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Đức Tín cũng phân tích những ưu và hạn chế của chuyên đề; bổ sung thêm những nội dung còn thiếu, đào sâu những phần đồng chí Thương còn bỏ ngỏ.
Đây là chuyên đề rất thiết thực nhằm giúp mỗi cán bộ, giáo viên, đảng viên nhìn nhận lại mối quan hệ với đồng nghiệp. Từ đó nêu cao tinh thần đoàn kết trong nội bộ cơ quan để xây đựng môi trường học tập và làm việc lành mạnh, đoàn kết và không ngừng phát triển.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH BUỔI SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ
Đ/c Ngô Thị Thương trình bày chuyên đề.
Tập thể chi bộ trường THPT Lê Thị Pha góp ý chuyên đề.
Đ/c Nguyễn Đức Tín – Bí thư chi bộ kết luận chuyên đề.
Phần chuẩn bị nội dung của đồng chí Thương là có sự đầu tư và phù hợp với nội dung của chuyên đề, điều kiện thực tế của nhà trường và cốt lõi của tinh thần đoàn kết nội bộ.
Tư tưởng về đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện nổi bật qua những câu nói của Bác: Đoàn kết làm ra sức mạnh; Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta; Đoàn kết là thắng lợi; Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công; Đoàn kết là một điểm rất quan trọng, cũng là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt: Đó chính là đoàn kết.
Trong mọi lĩnh vực công tác, tập thể CBCNV trường luôn xác định có đoàn kết thì mới thành công. Đối với tập thể đoàn kết được thể hiện trong sinh hoạt tập thể nhà trường, trong tổ – khối chuyên môn. Xây dựng khối đại đoàn kết trong cơ quan là yêu cầu quan trọng số một của công đoàn nhà trường, đặc biệt trong những năm gần đây, công tác “Đoàn kết – Đổi mới – Phát triển” được hết sức chú trọng và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng gặp không ít khó khăn về hoàn cảnh, thụ động trong nhận thức đổi mới, tư duy sáng tạo. Song nhờ được tiếp nối truyền thống đoàn kết của nhà trường, sự lãnh đạo sâu sát của các Cấp ủy, của chính quyền địa phương, cùng sự yêu mến tin cậy của phụ huynh và học sinh. Các tổ chức trong nhà trường ngày càng vững mạnh.
Tinh thần đoàn kết: là việc con người trong một tổ chức, một tập thể cùng hướng đến một mục tiêu, một lí tưởng và nỗ lực hết sức để thực hiện mục tiêu chung ấy. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết còn là tình yêu thương giữa con người với con người, sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Các đồng chí tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:
– Trước hết mỗi CBĐV phải kiên lập trường tư tưởng vững vàng, phải xác định cho bản thân mình đâu là mục tiêu, đâu là trách nhiệm, đâu là hành động đúng để phấn đấu là vì một mục đích chân chính. Đó là sự phấn đấu không phải để đạt được danh vọng cá nhân mà phấn đấu vì hiệu quả, vì trách nhiệm của lao động có như vậy thì thi đua trong lao động sẽ không trở thành ganh đua, ganh ghét, ích kỉ, hẹp hòi cá nhân. Khi đã đánh tan những vấn đề trên, có chung một lí tưởng thì mọi người sẽ chung sức, chung lòng và thân ái với nhau hơn.
– Đoàn kết là sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng hành động vì một mục đích chung, vì sự nghiệp giáo dục nhà trường, vì thực hiện sứ mệnh trồng người nền cần dìu dắt nhau cùng tiến bộ. Nhưng đoàn kết không có nghĩa là im lặng, làm ngơ, là bao che cho những khuyết điểm của đồng chí đồng nghiệp mình mà mỗi cá nhân luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phê và tự phê. Dám nhận ra những thiếu sót của bản thân, của đồng nghiệp và thẳng thắn góp ý xây dựng. Phê và tự phê để loại bỏ dần những yếu điểm, hạn chế, giúp nhau cùng tiến bộ. Tuy nhiên việc góp ý kiến phải chân thành để đồng chí đồng nghiệp mình lắng nghe và khắc phục.
– Nếu mỗi đ/c trong mỗi chúng ta biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, biết xem công việc của đồng nghiệp cũng như công việc của chính mình, biết nhìn nhận cái đúng cái sai và biết lắng nghe để tự sửa chữa chính mình và vượt qua chính mình, biết góp ý chân tình cho đồng nghiệp. Đó là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết nội bộ ngày càng vững chắc hơn.
– BGH, BCHCĐ Nhà trường có vai trò rất lớn trong việc xây dựng mối đoàn kết nội bộ. Nó được thể hiện ở mối quan hệ giữa BGH và đội ngũ giáo viên; giữa tổ chức công đoàn với công đoàn viên. Đó là sự gần gũi, cảm thông, chia sẻ, là sự góp ý chân thành, cởi mở và tạo điều kiện sửa sai trừ trường hợp cố chấp, bảo thủ, không xác định rõ nhiệm vụ, vai trò trách nhiệm cá nhân. Để tạo bầu không khí thực sự thoải mái trong tư tưởng sẽ khiến con người ta nhiệt tình và yêu mến công việc hơn thì tác động nhiều yếu tố: Nhà trường biết nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết hài hòa những vướng mắc thấu lý đạt tình nhưng phải đúng quy định; đội ngũ trong nhà trường phải tuân thủ các quy định về chuyên môn, nội quy nhà trường, tính kịp thời, tính khoa học, tính hiệu quả; tránh tình trạng chậm trễ, giải quyết vấn đề không tới nơi, tới chốn, thiếu trách nhiệm của cá nhân làm ảnh hưởng tập thể; những vấn đề đó thường dẫn đến sự ảnh hưởng kế hoạch chung thì cá nhân đó dễ bị nhắc nhở, phê bình…
– Một vấn đề hết sức quan trọng trong việc xây dựng mối đoàn kết nội bộ là phát huy tinh thần dân chủ trong trường học, tạo sự công bằng đối với mỗi cá nhân trong tập thể và sự công khai, minh bạch.
– Ngoài việc xây dựng khối đoàn kết nội bộ, muốn đơn vị trường trở thành đơn vị vững mạnh thì phải xây dựng sự vững mạnh từ các đoàn thể trong nhà trường. Để làm được điều đó theo tôi các đoàn thể cần phải thực hiện tốt những việc sau:
+ Chấp hành tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng, sự phân công của chính quyền.
+ Ngay từ đầu năm học mỗi đoàn thể phải xây dựng cho mình kế hoạch làm việc của năm và phân định công việc cụ thể cho từng tháng, từng kì. Việc xây dựng kế hoạch phải sát với tình hình thực tế, không qua loa, đại khái hay chung chung, có sự phân định trách nhiệm công việc rõ ràng, phân đúng người, đúng việc dựa theo khả năng, sở trường của mỗi người như vậy hiệu quả công việc sẽ cao.
+ Thực hiện nghiêm túc việc sinh hoạt định kì để đánh giá rút kinh nghiệm nhằm phát huy những mặt mạnh, có hướng khắc phục những hạn chế. Cần phải thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những mặt còn thiếu sót chưa làm được. Thiếu sót đó thuộc về ai, bộ phận nào. Sự rạch ròi trong công việc sẽ khiến mỗi người có trách nhiệm hơn trong công việc của mình, tránh được tình trạng đổ lỗi cho nhau.
+ Dù cá nhân hay tập thể đều phải biết lắng nghe ý kiến đóng góp để tìm ra cái đúng, cái hay mà sửa chữa để hoàn thiện mình.
– Một tập thể đoàn kết, biết cộng đồng trách nhiệm, biết yêu thương giúp đỡ nhau thì chắc chắn tập thể đó sẽ vững mạnh và sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đề nghị các đồng chí tiếp tục nghiên cứu và từng bước hoàn thiện mình, xây dựng tập thể thống nhất, đoàn kết góp phần nâng cao chất lượng dạy, học, hoạt động của nhà trường trong thời gian đến.