Trang chủ / HĐ NGOẠI KHÓA - TNHN / HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI NĂM 2023

HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI NĂM 2023

“Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số”

          Bác Hồ vĩ đại của chúng ta – Nguyễn Ái Quốc – Nguyễn Tất Thành lúc 18-19 tuổi (năm 1908-1909) đang học lớp nhì Trường Quốc học Huế thì phải vào Phan Thiết dạy học ở Trường Dục Thanh, đến năm 1911 thì qua Pháp. Suốt cuộc đời bôn ba hoạt động cách mạng, ngày thì lao động, đêm thì học tập, Người tự học, trưởng thành và tốt nghiệp trường “Đại học cuộc đời”.

          Người học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Người biết và sử dụng thông thạo trên mười ngoại ngữ nhờ tự học mà không qua một trường đào tạo chính quy nào.

          Năm 1935, dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Người ghi vào phiếu lý lịch của mình như sau: Trình độ học vấn – tự học. Phát biểu với sinh viên Trường Đại học Băng Đung trong chuyến thăm In-đô-nê-xi-a năm 1959, Người nói đại ý: Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường học. Cuộc sống, du lịch và làm việc là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội, khoa học quân sự, lịch sử và chính trị. Nó dạy cho tôi yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình; căm ghét áp bức, ích kỷ…

          Những năm trước 2019, khi nói tới học online, họp trực tuyến không ít người trong chúng ta thấy lạ lẫm, khó khăn. Chúng ta lo lắng về cách tổ chức, lo lắng về cơ sở hạ tầng đáp ứng, lo lắng về thiết bị thu nhận…Tuy nhiên sau đó, đại dịch Covid-19 khiến cho thế giới phải thay đổi toàn bộ, những lối sống cũ, những công nghệ cũ không thích nghi được sẽ bị đào thải. Và để thích nghi được thì không gì khác, chúng ta phải luôn sẵn sàng học những cái mới, phải luôn mang trong mình tinh thần học tập suốt đời.

          Thế giới ngày càng biến đổi không ngừng…Những điều phổ biến hiện nay thì 10 năm trước còn chưa xuất hiện và có 65% những công việc sẽ bị thay thế bởi công nghệ trong những năm tới.

          Học tập suốt đời là một cụm từ thường nghe hiện nay. Nhưng làm sao có thể học suốt đời được khi phần lớn thời gian sống của mình con người còn phải đi làm, lập gia đình và nuôi con cái? Rồi khi về già, đầu óc chậm chạp làm sao đi học được, nói chi là tự học? Băn khoăn khá phổ biến này xuất phát từ quan niệm rằng đi học là phải đến trường, có thầy dạy, học theo lối chính quy, không đến trường nữa thì xem là thôi học.

          Có thể thấy khái niệm học bị hiểu sai đã kéo theo khái niệm tự học bị hiểu sai luôn. Bởi từ xa xưa trước khi có sự xuất hiện của chữ viết, trong khi tiếp xúc với thiên nhiên, xã hội và bản thân mình, con người đã phải học – đó là tự học qua quan sát, qua rút kinh nghiệm từ “thử và sai”, tự học kiểu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

          Trước tiên, chúng ta cần nhận định rõ ràng rằng: Tinh thần tự học là “cái lõi” của học tập suốt đời. Nói đến tự học là nói đến việc tự mình nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, tiếp thu kiến thức của nhân loại trong sách vở, trong nhà trường, ngoài đời, mà không có thầy trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy. Khác với trong nhà trường, người học luôn có thầy giáo trực tiếp giảng dạy.

          Học tập suốt đời tức là việc học tập đối với một con người không chỉ dừng lại ở một giai đoạn, thời gian nhất định trong nhà trường lúc học phổ thông, đại học, mà còn phải học tập ngay cả khi đi làm, lúc về già. Điều đó có nghĩa là học bất cứ lúc nào, ở đâu, luôn duy trì việc học ngay cả khi đã đạt được những thành tựu, mục tiêu trong cuộc sống, miễn là khi có điều kiện thuận lợi, đặc biệt là còn sức khoẻ.

          Việc này đơn giản là mỗi cá nhân hiểu ra rằng những gì chúng ta đang biết là rất nhỏ bé như hạt cát trong sa mạc. Vì vậy nên việc học sẽ không dừng lại ngay cả khi chúng ta đã rời ghế nhà trường, đã có những chức vụ hay nắm giữ cho mình những trọng trách quan trọng của đất nước. Với tư duy này, con người ta sẽ trở nên khiếm tốn, bao dung, cởi mở đón nhận những quan điểm mới và không nổi cáu với những câu hỏi vì sao đến từ người khác.

Chúng ta ai cũng cần học tập mỗi ngày bởi vì thế giới hiện tại biến đổi từng ngày và người không cập nhật tức là đang lạc hậu với thế giới.

          Mỗi cá nhân học tập phải có tinh thần tự học và học tập suốt đời vì kiến thức của nhân loại là vô bờ. Trong cuộc đời của một con người, không phải lúc nào cũng có điều kiện thuận lợi để được thầy giảng dạy trực tiếp, đặc biệt khi đã rời khỏi ghế nhà trường, khi đi làm việc, khi về già. Do đó, học để bổ sung thêm những hiểu biết cho cuộc sống.

          Hơn nữa, việc tự học còn giúp cho công dân khắc sâu, nhớ lâu hơn kiến thức đã tự tìm hiểu được. Việc nâng cao trình độ hiểu biết sẽ giúp cho công dân có nhiều thuận lợi hơn trong cuộc sống như tìm kiếm việc làm; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; giúp công dân trở nên năng động, sáng tạo, không phụ thuộc vào người khác. Bên cạnh đó, sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách và làm cho công dân được mọi người kính nể hơn.

          Khi cuộc cách mạng khoa học – công nghệ 4.0 đang phát triển nhanh chóng, công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước đang được đẩy mạnh và trước đòi hỏi của nền kinh tế tri thức, để thích ứng với những biến đổi của xã hội và hội nhập sâu rộng vào trường quốc tế, hơn bao giờ hết mỗi công dân phải chủ động nâng cao nhận thức, trình độ; do vậy, không gì khác hơn là phải học tập, tự học tập, học tập thường xuyên.

          Hiện nay, việc tự học của các bạn trẻ dường như rất hạn chế. Điều này làm cho các em sinh ra bệnh lười suy nghĩ, thiếu tự tin khi gặp một vấn đề mới. Do vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời các em về sau khi bắt đầu bước vào đời để tự lập. Đối với người lớn tuổi, vẫn còn bộ phận không nhỏ chưa có ý thức học suốt đời, chỉ thoả mãn đối với những gì học ở nhà trường, thiếu sự cập nhật kiến thức mới cho nên có ảnh hưởng đến kết quả giải quyết công việc. Để xây dựng được kỹ năng học tập suốt đời thì không thể thiếu tinh thần tự học.

          Thứ hai, về thức tự học:

          Tự học là một loại lao động vất vả, đầy gian nan thử thách, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn gấp bội so với được nghe giảng. Người tự học gặp muôn vàn khó khăn về sức lực, thời gian, phương pháp và nhất là ý chí.

          Người dìu dắt (cha mẹ, thầy cô, bạn bè, sách vở, phương tiện truyền thông…) phải tạo ra cú hích đầu tiên, thắng sức ỳ về tâm lý ở người học, chỉ ra lợi ích của việc học, bày vẽ cách tự học và động viên thực hiện.

          Người học, bất kể là trẻ em hay người trưởng thành, đều phải nhận thức được học tập đem lại lợi ích gì cho chính mình. Khi nhận thức được lợi ích này, người học sẽ có động cơ mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn tất yếu gặp phải khi tự học, thúc đẩy người học chủ động đào sâu kiến thức, tự học không ngừng. Động cơ càng mạnh, ý chí sẽ càng cao, khả năng vượt khó càng lớn và cơ hội thành công càng cao. Mỗi thành công dù nhỏ bé sẽ tiếp thêm sức mạnh cho quá trình tự bồi dưỡng năng lực tự học, khiến người học càng tự tin hơn.

          Rèn luyện các kỹ năng tự học như kỹ năng định hướng, chọn mục tiêu, tìm kiếm và sử dụng thông tin; kỹ năng xây dựng và tự điều chỉnh kế hoạch học tập, thời gian và nhịp điệu học tập; kỹ năng vận dụng và thực hành thường xuyên, tự kiểm tra mức độ thành thạo; kỹ năng phối hợp các thao tác trí tuệ như so sánh, phân tích, tổng hợp, diễn giải, suy luận, phản biện; kỹ năng huy động hai bán cầu não, phát huy tối đa năng lực não bộ; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; kỹ năng ngoại ngữ…

          Thời đại hiện nay là thời đại mà kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm lực nhằm đối phó hữu hiệu với các thách thức đồng thời tận dụng tốt các cơ hội nảy sinh để phát triển bền vững.

          Giải pháp xây dựng ý thức và năng lực tự học, học tập suốt đời trong kỷ nguyên số

          Xây dựng năng lực học tập suốt đời bằng cách nào?

          Cho dù bạn vẫn còn là học sinh hay đã có một công việc ổn định thì tự học vẫn luôn là chìa khoá để dẫn đến thành công trong lĩnh vực của mình. Khả năng tự học ngoài trường lớp giúp mỗi cá nhân tạo ra sự khác biệt và làm đầy thêm kiến thức cho bản thân. Tuy nhiên, để duy trì quá trình tự học là không hề dễ dàng.

  1. Duy trì tính hiếu kỳ

          Tính hiếu kỳ là động lực chính thúc đẩy sự phát triển trong quá trình học tập. Hãy đặt câu hỏi thật nhiều với bất kỳ điều gì khiến bạn tò mò hoặc chưa sáng tỏ. Việc này giúp bạn nuôi dưỡng tính hiếu kỳ, luôn muốn khám phá thế giới xung quanh và thực sự mở mang hiểu biết.

          Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng đặt ra câu hỏi quá nhiều với mọi người xung quanh có thể khiến họ cảm thấy khó chịu, đặc biệt là những người chưa có câu trả lời cho bạn.

          Vậy nên, cách tốt nhất bạn tự dấn thân vào con đường tìm kiếm chân lý và làm phong phú kiến thức cho chính mình.

  1. Đọc sách và xem phim tài liệu

          Thay vì ngồi hàng giờ xem phim tình cảm lãng mạn, lướt tiktok hoặc hài kịch, bạn nên dành chút thời gian để xem phim tài liệu, đọc sách về lịch sử, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ.

          Sinh động hơn, ví dụ nếu bạn đam mê về xe hơi, tại sao không thử đến tham quan bảo tàng xe, xem bản tin, đọc tạp chí về xe, tìm hiểu lịch sử, sự phát triển, những công nghệ tân tiến, thiết kế ấn tượng trong ngành công nghiệp xe bốn bánh. Tương tự, hãy thay truyện tranh giải trí bằng việc tập thói quen đọc các tài liệu nghiên cứu khoa học, sách mang tính học thuật hoặc tiểu thuyết văn học.

  1. Không phụ thuộc vào trường lớp, giáo viên

          Tại trường lớp, bạn được cung cấp các kiến thức nền tảng, cơ bản. Giáo viên không thể có đủ thời gian để dạy nhiều hơn cho học sinh, sinh viên.

          Chính vì thế, tự bản thân biết mở rộng, nâng cao kiến thức dựa trên tảng kiến thức cơ bản sẽ giúp bạn tạo ra sự khác biệt so với bạn bè trong lớp, giúp giáo viên phân loại học sinh của mình. Đừng quá bị động và phụ thuộc quá nhiều vào trường học và giáo viên mà chỉ học những gì được dạy, được giao.

  1. Kỷ luật với bản thân

          Nguyên tắc vàng đối với những người muốn phát triển khả năng tự học chính là tính kỷ luật cao.

          Bởi lẽ, tự học là vấn đề riêng của mỗi người, không có giáo án, không có người giảng dạy, không có quy định thời gian cũng như không có giới hạn hay chuẩn mực nào để đánh giá, kiểm tra. Vậy nên, tính kỷ luật và sự tự giác càng cao, hiệu quả học tập càng lớn.

  1. Xây dựng môi trường học

          Có rất nhiều cách để tạo cho mình môi trường tự học mà không gây nhàm chán. Bạn có thể đăng ký vào các khóa học với môn hoặc ngành học yêu thích, tham gia các buổi hội thảo, đến triển lãm, đi bảo tàng, thư viện, lập nhóm tự học trực tuyến hoặc quy tụ những người bạn có cùng mục đích học tập giống mình.

  1. Lắng nghe lời khuyên của người có kinh nghiệm

          Ở những người này, bạn có thể học thêm được nhiều mẹo học tập có ích, những cuốn sách cổ quý giá hay những bậc thầy mà bạn có thể đến để thỉnh giáo.

  1. Học trực tuyến

          Trong thời đại công nghệ có mặt ở mọi nơi, bạn có thể tận dụng việc học trực tuyến trên bất kỳ thiết bị nào. Đây là một tài nguyên học tập vô hạn, tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian học tập.

  1. Tìm người truyền cảm hứng

          Quan trọng, nếu có cơ hội, bạn nên học tập ở những người này cách tư duy logic cho một vấn đề, làm sao ghi chép nhanh được những ý chính, cách phản biện và đặt câu hỏi… Đây là những kỹ năng mà những người tự học hay học dưới sự hướng dẫn của giáo viên đều phải có và phải rèn luyện trong suốt quá trình học tập.

  1. Biết vận dụng kiến thức tự học: Ứng dụng thực tế

          Không phân biệt kiến thức học từ người khác hay kiến thức tự học, giá trị của kiến thức phải được thể hiện qua hành động hoặc sản phẩm. Vì thế để tự đánh giá được thành tựu học tập của mình, bạn nên tìm cách đưa các kiến thức đã học vào cuộc sống.

-Phạm Quang Chung –

         

About PHẠM QUANG CHUNG

Bạn đã đọc chưa?

Thông tin TS – Đại học Kiến trúc TPHCM

Thongtin_Tuyensinh_UAH_2024

CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN TUYỂN SINH “ ĐÚNG NGÀNH NGHỀ – SÁNG TƯƠNG LAI” NĂM 2024

        Đến hẹn lại lên, sáng ngày 31/3/2024 trường THPT Lê Thị …

Trả lời