Trang chủ / TỔNG QUAN / CƠ CẤU TỔ CHỨC / CHI BỘ / SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ QUÝ II NĂM 2023

SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ QUÝ II NĂM 2023

            Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

            Trong buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ trường THPT Lê Thị Pha (27/5/2023), Đồng chí Phạm Quang Chung, đảng viên, phó Hiệu trưởng Nhà trường đã trình bày chuyên đề “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục để thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh trường THPT Lê Thị Pha phù hợp với phương pháp, hình thức giáo dục hiện nay”.

            Chuyên đề nêu rõ: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục và đã có những chỉ dẫn rất sâu sắc và toàn diện, bao gồm các vấn đề từ vai trò, vị trí, mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục; nguyên lý, phương châm giáo dục; phương thức, phương pháp giáo dục cho đến tổ chức quản lý, xây dựng đội ngũ giáo viên; chủ trương, chính sách đối với giáo dục.

            Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục hết sức rộng lớn, phong phú, có thể khái quát ở những nội dung chính sau:

            – Quan điểm đổi mới: Xây dựng nền giáo dục độc lập, tiến bộ, toàn diện theo hướng dân tộc, hiện đại, nhân văn, lấy mục tiêu phục vụ Tổ quốc, nhân dân làm nền tảng

            – Nền tảng giáo dục: Phải hết sức coi trọng vai trò của người thầy và phải hình thành cho học sinh nhu cầu học tập, tự học, học suốt đời

            – Phương pháp giáo dục: Giáo dục toàn diện về nội dung, phương pháp và phong cách dạy học, gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành

            Soi chiếu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục với phương pháp, hình thức giáo dục mới tại trường THPT Lê Thị Pha, người viết có một số nhận định sau đây:

           Trong những năm vừa qua, Trường THPT Lê Thị Pha dần tạo vị thế, niềm tin đối với nhân dân trên địa bàn Thành phố; từng bước xây dựng thương hiệu và vị trí trên bản đồ GDPT Tỉnh Lâm Đồng. Để giáo dục thực hiện được vị trí, vai trò mới, cần phải thay đổi tư duy giáo dục, trước hết phải làm cho người học nhận thức đầy đủ trụ cột của giáo dục đó là: Học để biết, bằng cách kết hợp một cơ sở văn hóa chung và đủ rộng với khả năng làm việc sâu rộng. Học để làm, không những nắm được những kỹ năng nghề nghiệp mà còn ứng dụng kiến thức, tạo năng lực theo nghĩa rộng hơn là những kỹ năng sống.

            Với trường THPT Lê Thị Pha, trong những năm qua, quan điểm đổi mới thể hiện ở nhiều khía cạnh, cả về tư duy và hành động, cụ thể:

            Tập thể chi ủy Chi bộ, BGH nhà trường thống nhất phương châm đổi mới để phát triển, muốn phát triển phải không ngừng đổi mới. Mục tiêu quan trọng cần hướng tới không chỉ dạy kiến thức phổ thông, mà phải sớm định hướng nghề nghiệp cho học sinh; khắc phục cách dạy học đơn thuần hành chính hóa việc lên lớp, chỉ cốt truyền đạt cho xong bài giảng. Đặc biệt, đối với mỗi giáo viên, với tư cách là chủ thể, thì tư duy mới không những phải hợp với quy luật mà còn phải mang tính tích cực, cách mạng.

            Trên tinh thần đó, thầy và trò Trường THPT Lê Thị Pha không ngừng cố gắng, Thầy ra sức trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, trò phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ học – rèn luyện phát huy phẩm chất năng lực. Kết quả học tập rèn luyện ở các năm đã phản ánh nỗ lực của Nhà trường. Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tự thân tìm tòi, học hỏi những mô hình, cách làm hiệu quả nhất áp dụng vào công việc của bản thân.

            Để làm tròn nhiệm vụ của người Thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi “thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”, xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn”. Muốn làm được điều đó, trước hết người thầy giáo phải cải tạo tư tưởng bản thân mình và “cần xây dựng tư tưởng dạy học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, phải có chí khí cao thượng. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và lời dạy của V.I.Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự mãn cho mình giỏi rồi mà dừng việc học lại là lùi bước, là lạc hậu, là tự đào thải mình.

           Ngoài việc nhắc nhở các thầy giáo phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Người cũng lưu ý một vấn đề hết sức quan trọng đó là học tập chính trị, vì “có học tập lý luận Mác – Lênin thì mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết về trình độ chính trị mới làm nòng cốt công tác Đảng giao phó”. Trong giáo dục, Người nhắc nhở các thầy giáo và các nhà quản lý giáo dục cần quan tâm đến phương pháp giáo dục. Đặc biệt, Người rất quan tâm đến phương pháp nêu gương, “mọi lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”(Gớt).

            Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục và vị trí của giáo viên – quyết định chất lượng đào tạo, trong những năm qua Chi bộ, chính quyền Nhà trường luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên và coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành cho giáo viên về các phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy các bộ môn; tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; đánh giá cao vai trò của GV trong các hoạt động, định hướng học tập rèn luyện cho học sinh; thực hiện tốt chế độ cho giáo viên, nhân viên nhà trường; tạo điều kiện phát huy dân chủ trong cơ quan; chủ động ắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bố trí công việc phù hợp với năng lực…

            Về phía giáo viên Nhà trường, đa số thầy cô tích cực, chủ động trong công tác tự trau dồi, bồi dưỡng. 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, 100% giáo viên các môn học hoàn thành các modul bồi dưỡng chính chính (1,2,3,4,5,9) nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình GDPT 2018.

             Phong trào đổi mới PPDH tại trường THPT Lê Thị Pha đã và đang diễn ra mạnh mẽ, tích cực cả về số lượng và chất lượng. Nếu trong những năm trước, đổi mới PPDH chỉ gói gon trong việc Thầy cô chuẩn bị bài giảng điện tử lên lớp trình chiếu; thì đến thời điểm vài năm trở lại đây, đổi mới PPDH đối với giáo viên bao gồm đổi mới PPDH trên lớp học và đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; đổi mới PPDH đối với học sinh là đổi mới PP học tập; đổi mới PPDH được tổ chức, lãnh đạo và hỗ trợ từ các cấp quản lý giáo dục, đặc biệt là bộ phận chuyên môn nhà trường thông qua những biện pháp thích hợp. Đổi mới không chỉ trong những tiết Hội giảng, thao giảng, thi GVG mà đã rộng khắp, xuyên suốt, thường xuyên, liên tục.

            Phần đánh giá, kết luận buổi sinh hoạt, Đồng chí Nguyễn Đức Tín – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường một lần nữa khẳng định:Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng nói: “Phi trí bất hưng”, nghĩa là quốc gia muốn hưng thịnh thì không thể không quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Giáo dục là sinh mệnh của mỗi quốc gia, “giáo dục là cái gốc rễ để gây nền chính trị” (Phan Bội Châu). Ngày nay Đảng và Nhà nước ta cũng xác định: “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Nhiệm vụ của giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo ra những con người mới, có kiến thức, có phẩm chất cách mạng, có kĩ năng để xây dựng và bảo vệ đất nước. Đảm trách sứ mệnh quan trọng và thiêng liêng đó không ai khác chính là đội ngũ nhà giáo, những người vẫn được xã hội tôn vinh trong sự nghiệp “trồng người”. Mặc dù tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục đã ra đời và tồn tại từ thế kỷ trước. Song, ý nghĩa và sự vận dụng của nó vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục. Chúng ta tin tưởng rằng, khai thác và vận dụng tốt những tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục trong quá trình giáo dục sẽ góp phần tạo nên thế hệ học sinh phát triển toàn diện về tri thức, đạo đức, sức khỏe, thẩm mỹ, lý tưởng, yêu nước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.”

            Một số hình ảnh trong buổi sinh hoạt chuyên đề:

        

                  (Phạm Quang Chung)

 

                                                                                               

 

 

 

About PHẠM QUANG CHUNG

Bạn đã đọc chưa?

Triển khai cuộc thi viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ QUÝ I NĂM 2023

NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN, GIẢI PHÁP  THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018 Chiều ngày …

Trả lời